Trao học bổng tại Tây Ninh

Ngày 03.02.2018 hai chị Ninh Hồng và Ngọc Anh có hẹn với Hội Khuyến học Tây Ninh lúc 8:30 sáng nên hai chị phải ra khỏi nhà lúc 5:30, đi xe đến bến xe An Sương để đón chuyến xe khách Đồng Phước, khởi hành đi Tây Ninh lúc 06:10.

Đến nơi vừa đúng giờ hẹn, các chị ở Hội Khuyến học Tây Ninh đã chờ sẵn với đầy đủ 4 em học các trường tiểu học Hùng Vương, trường trung học Chu Văn An, trường trung học Trần Hưng Đạo, cùng với phụ huynh. Sau phần giới thiệu về học bổng Lá Non, hai chị trò chuyện hỏi thăm các em và phụ huynh, sau đó đi đến nhà từng em một.

 Hội Khuyến học Tây Ninh
Hội Khuyến học Tây Ninh

Xong việc ở thành phố Tây Ninh, hai chị lên xe khách đi về Gò Dầu, cách Tây Ninh khoảng 40km, vì ở đó có hai em của trường trung học Lê Văn Thới. Do không biết đường và mãi nói chuyện không để ý nên khi xe đến trạm Trảng Bàng mới biết là mình đã đi lố rồi, lại phải nhảy qua một xe khác đi ngược lại Gò Dầu. Ở Gò Dầu, thầy Quang phụ trách học bổng và thầy chủ nhiệm lớp em Hào đã chờ sẵn để đưa hai chị đi đến nhà các em và đến trường Lê Văn Thới.

Sau đây là hoàn cảnh của các em:


GIA CẢNH

Em Lê Minh Khánh và mẹ
Em Lê Minh Khánh và mẹ

Cha em Lê Minh Khánh (lớp 1) mất vì tai biến lúc em còn trong bụng mẹ.

Mẹ đi làm mướn, công việc là chẻ hạt điều, tiền công 110.000 – 120.000 đồng/ngày.  Mẹ em còn nhận hạt điều về nhà làm thêm. 

Sáng sớm mẹ đi làm nên phải đưa em đến gửi căng-tin trường từ 5 giờ sáng, đến trưa thì em theo một chú tiểu, học cùng trường, về chùa, chiều lại theo chú tiểu đi đến trường học tiếp.

Hai mẹ con hiện đang sống trong phòng trọ, trả tiền thuê phòng là 650.000 đồng/tháng.

Gia đình khó khăn, thu nhập không ổn định, mẹ lớn tuổi hay đau bệnh mà không có bảo hiểm y tế vì không có tiền mua.

 

Minh Khôi và mẹ, trước cửa nhà
Minh Khôi và mẹ, trước cửa nhà

 

Cha em Đinh Phạm Minh Khôi (lớp 3) là công nhân ngành sắt (cắt sắt, hàn gió đá), làm việc trên Sài Gòn, một tháng về nhà một lần, thu nhập 5 triệu đồng/tháng. 

Mẹ đi giúp việc nhà buổi sáng, chiều đi làm móng tay, gội đầu cho khách, thu nhập 3 triệu đồng/tháng.

Nhà mái tôn, vách ván, được cất trên đất thuê trong khu vực quy hoạch giải tỏa của nhà nước.

Thu Thảo và cô trước cửa nhà trọ
Thu Thảo và cô trước cửa nhà trọ

Cha em Lý Thị Thu Thảo (lớp 6) mất vì ung thư lúc em 3 tuổi, sau đó mẹ là người Campuchia bỏ đi về nước, nên em sống với cô ruột. Hai cô cháu ở nhà trọ, tiền thuê 1 triệu đồng/tháng.

Cô em đi giúp việc nhà, được 50.000 – 70.000 đồng/buổi, nhưng cô em không khỏe, hay bị bệnh nên thu nhập bấp bênh. 

Học kỳ I cô em đã đóng 800.000 đồng học phí.  Học kỳ II em được miễn học phí, chỉ phải đóng 300.000 đồng tiền tăng tiết (tức là tiền học thêm ở trường một buổi nữa). 

Nhà em tuy nghèo nhưng rất ngăn nắp, em được dành cho một góc học tập riêng.

Nhà thuộc diện hộ cận nghèo, gạo ăn được nhà chùa cho. Nhà nội em có 5 người con thì 3 người mất vì bệnh ung thư.

Trước cửa nhà  Khang - mẹ - thầy Quang
Trước cửa nhà Khang - mẹ - thầy Quang

 

Cha em Nguyễn Xuân Khang (lớp 7) là giáo viên trường Lê Văn Thới, mẹ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trường cấp 2 Phước Thạnh. 

Ba mẹ chia tay năm 2013, hai anh em ở với mẹ. 

Mẹ bị đau tim và đã đặt máy tạo nhịp tim trong người.

Nhà là do Hội Khuyến học huyện xây giúp trên đất của ông bà. 

Ba đóng học phí cho em và anh trai. 

Mẹ làm thêm việc bỏ bánh tráng vào bịch để tăng thu nhập, được khoảng 10.000 – 20.000 đồng/buổi.

Trước cửa nhà. Thầy Quang- bà ngoại- Hào- thầy chủ nhiệm
Trước cửa nhà. Thầy Quang- bà ngoại- Hào- thầy chủ nhiệm

 

 

Ba mẹ em Trần Quốc Hào (lớp 6) chia tay, ba không chu cấp cho con, mẹ đi lấy chồng. 

Em và hai người em ở với ông bà ngoại. 

Ông bà ngoại bán cháo vịt ven đường để sinh sống.

Học phí cả năm lớp 7 của em là 585.000 đồng.

Em thích đọc truyện cổ tích, và mơ ước trở thành bác sĩ. 

Nam Khang và bà nội trong quán cơm chay
Nam Khang và bà nội trong quán cơm chay

 

 

Cha em Dương Bảo Nam Khang (lớp 7) mất lúc em 11 tuổi, mẹ bỏ đi lúc em được 21 tháng tuổi.

Hiện em sống với ông bà nội ở nhà chú thím.

Bà nội phụ việc trong quán cơm chay của chú thím để lo cái ăn cho em. Học phí là do bà nội đi xin của các mạnh thường quân. Em ăn chay trường.

Em thích đọc các sách về khoa học.

Vì trường hợp tất cả các em này đều phù hợp với yêu cầu để được cấp học bổng Lá Non nên hai chị đã phát học bổng ngay cho các em với sự hiện diện của phụ huynh và các chị trong Hội Khuyến học Tây Ninh.  Các em còn được tặng sách từ tủ sách gia đình của chị Ninh Hồng và lì xì của mẹ chị Ngọc Anh.
Qua Tết hai chị sẽ đi Tân Châu, gần biên giới Campuchia, vì ở đó còn 4 em trường tiểu học Thạnh Đông A và trường tiểu học Thạnh Đông B nộp đơn xin học bổng.


Ước mơ

Tuy các em do nhà nghèo được miễn học phí nhưng phải còn phải sắm đồng phục, giấy bút, thước v.v. khiến nhiều em tuy được miễn học phí mà vẫn phải bỏ học do hoàn cảnh gia đình, lo miếng ăn đã khó khăn rồi, để cho các em có đủ điều kiện tối thiểu để tiếp tục đi học là cả một ước mơ như trường hợp của em Dương Bảo Nam Khang.

 

Các em đều hiếu học, đều có những ước mơ được trở thàng người hữu ích cho gia đình và xã hội như em Quốc Hào có hoài vọng trở thành bác sĩ giúp người bệnh tật hay em Minh Khánh say sưa với hình ảnh "Tí-Hon-Thần-Lực" (sách em được tặng) làm "siêu nhân" bắt cướp trừ gian.

 

Với lòng hảo tâm của quý ân nhân mong rằng những ước mơ đầy lòng thương yêu đó sẽ thành hiện thực.