Chuyến thăm các em ngày 26.11.2019

Vào ngày 26.11.2019 chị Ngọc Anh đi thăm hỏi hoàn cảnh 9 em trường Trung học Võ Thành Trang ở Tân Phú mới nộp đơn xin cấp Học Bổng Lá Non năm học 2019-2020.

Nhân dịp này, mẹ chị Ngọc Anh  gửi lì xì cho các em mới nộp hồ sơ và chị Tố Hồng tặng 8 em mới nộp hồ sơ và 9 em đang nhận Học Bổng Lá Non của trường mỗi em một quyển Tâm hồn cao thượng.


TRẦN THỊ DOANH DOANH, lớp 7/2

Cha mẹ li dị từ năm em 1 tuổi. Ba lấy vợ khác, có hai con, bán vé số nên không chu cấp cho em được. Mẹ em đi luôn không về thăm con. Bà nội năm nay 65 tuổi, bán vé số.

Bà nội nuôi em từ nhỏ cùng với một chị họ và em họ của em, cũng bị ba mẹ bỏ không nuôi. . Ngoài ra còn có cô út của em ở chung, cô út đi làm việc nhà, phụ tiền thuê phòng trọ với bà nội. Phòng trọ gia đình em ở chật hẹp, giường ngủ của em có vẻ ngắn hơn so với chiều cao của em, em phải ra ngồi học ở quán café đầu ngõ. Tiền thuê nhà trọ và điện nước là 2 triệu/tháng. Ở trường em được học thêm Toán và Ngữ văn miễn phí. 
Năm ngoái, em Doanh đi bán vé số hai ngày thứ bảy và chủ nhật cuối tuần, năm nay lớp 7 học thứ bảy nên chỉ đi bán vé số vào ngày chủ nhật thôi. Em bán được khoảng 120.000 đồng/ngày, tiền kiếm được em phụ bà nội đóng tiền thuê phòng trọ, còn lại là tiền ăn của em mỗi khi bà nội đi bán về trễ không kịp nấu cơm.


TRẦN NGUYỄN GIA BẢO, lớp 7/5

Ba mất, mẹ bị bệnh về quê, bà ngoại nuôi bốn chị em của em từ nhỏ.  Bà ngoại năm nay 70 tuổi đi bán vé số và lượm ve chai, bán được 150 – 200 vé/ngày (tức là khoảng 150.000 – 200.000 đồng/ngày), lâu lâu bị giật vé số mất tiền. Chị hai của em (17 tuổi) đi phụ bán trà sữa, chị ba (14 tuổi) đi phụ việc lặt vặt, còn em của em (10 tuổi) đã bị mất tích (bắt cóc?) từ năm ngoái khi đi bán vé số với bà ngoại, vẫn chưa tìm được. Bà cháu thuê chỗ trọ đằng sau quán cơm 3 triệu/tháng. Em phải đi bán vé số phụ bà ngoại buổi sáng và buổi tối, còn buổi chiều thì học ở trường, vì vậy kết quả học tập của em không được tốt lắm.     

Mấy năm trước bà ngoại em nhận trông một đứa trẻ, nhưng được một thời gian thì mẹ đứa bé không đến đón con nữa nên bà phải nuôi luôn đứa trẻ này. Nuôi ở thàn phố tốn kém nên bà ngoại em gửi đứa trẻ về quê nhờ người nhà nuôi, mỗi tháng phải gửi 1 triệu về quê để phụ nuôi đứa trẻ này. 


NGUYỄN TRẦN KHẮC TUẤN, lớp 7/12

Ba em bỏ mẹ em từ lúc mang bầu em 4 tháng rưỡi, mẹ em bị sốc nên lâm bệnh tâm thần phân liệt, vẫn đang uống thuốc điều trị.

Ông bà ngoại hiện nuôi mẹ em và em.

Ông ngoại em là kỹ thuật viên chụp X-quang ở bệnh viện, thu nhập 10 triệu/tháng, sang năm đến tuổi hưu.

Bà ngoại trước là hộ lý ở bệnh viện nhưng nay ở nhà trông mẹ em, thỉnh thoảng chạy thêm xe ôm để kiếm thêm, nhưng không được bao nhiêu.

Em mơ ước sau này làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. 


NGUYỄN TRẦN BẢO TRÂM, lớp 8/6

Cha em mất sớm, mẹ em bị bệnh tim về quê, bà nội nuội em và hai anh của em từ nhỏ. 

Hiện anh Hai của em (20 tuổi) đi làm phụ xe, còn anh Ba của em (17 tuổi) đi phụ bán quán nước. 

Bà nội em làm nail, chạy xe ôm, cắt chỉ đồ may, v.v.  để nuôi em. 

Bà cháu ở nhờ nhà của bà cố, nhưng bà cố đã mất 2 năm nay, nhà đang rao bán. Nếu nhà bán thì bà cháu em phải đi thuê nhà trọ để ở.

 


TRẦN PHẠM MINH ANH, lớp 6/16

Cha em bỏ đi từ khi em còn nhỏ, mẹ em mất do bị tai nạn từ năm 2015.  Hiện em đang sống với hai người anh, anh hai em (23 tuổi) chạy xe ôm, đi giao đồ ăn để nuôi anh ba em (15 tuổi), học lớp 10 trường trung cấp giao thông vận tải, ngành điện, hệ hai năm và em.

Anh Hai em đang học Cao đẳng Phú Lâm ngành tin học năm cuối thì mẹ mất phải đi kiếm sống nuôi các em nên bỏ học không thi, không có bằng nên không kiếm được việc theo ngành học của em. Hiện em này chạy xe kiếm được trung bình 5 – 6 triệu/tháng, lo tiền điện, nước, tiền học, chi tiêu khác cho ba anh em.

Đến bữa ăn thì các em qua nhà bà ngoại ăn, tuy nhiên anh Hai em chạy xe suốt ngày ngoài đường nên tiện đâu ăn đó ngoài đường.


NGUYỄN BẢO HUY, lớp 7/9

Em Huy bị chậm phát triển tâm thần, bị cha mẹ bỏ rơi, ông bà nội nuôi từ nhỏ. Em rất lễ phép, nói năng lịch sự. Em tâm sự là trong lớp không bạn nào chơi với em nên em phải ngồi một mình một bàn, nhưng em quen việc đấy rồi. Em thích làm cảnh sát, thích nấu ăn, em biết nấu cơm, canh trứng cà chua, quét nhà. Em thích học môn giáo dục công dân vì có nhiều đề tài, và thích đánh cầu lông. Tuy nhà ông bà nội em có mở tiệm net (máy để chơi games online) nhưng em không thích chơi games.

Ngoài em ra, ông bà còn nuôi thêm một cháu nội sinh năm 2009 vì cha mẹ cháu ở tỉnh xa. Bà nội em phải đi chạy thận nhân tạo hàng tháng.


NGUYỄN NGỌC NHƯ, lớp 6/12

Mẹ em vừa mất năm nay, cha em làm công nhân xây dựng, đi theo công trình, ít gửi tiền về.

Cha lập gia đình lần thứ ba, hai đứa con của hai cuộc hôn nhân trước do ông bà nội 71 tuổi nuôi, trong đó có em Như.

Em Như có vẻ suy tư, trầm lặng, người nhỏ hơn tuổi.


LÊ THANH NGUYÊN, lớp 7/12

Ba em làm nghề ốp đá granite, mẹ bị bệnh ung thư, sức khỏe yếu, ở nhà nhận xếp quần áo vô bao và trông em bé hàng xóm.

Nhà em ở phòng trọ chật hẹp,.

Chị em (17 tuổi) và em trai em (8 tuổi) đang đi học.

Em ước mơ lên lớp 11 hay 12 sẽ kiếm được học bổng để đi du học Nhật, vì em thích anime và thích vẽ.

Em Nguyên đã tìm được ân nhân nhận bảo trợ .


Lê Hoàng Sang, Cao đẳng Giao thông vận tải

Cha em mất năm 2006 lúc em 4 tuổi, mẹ làm lao công dọn dẹp vệ sinh trường. Sáng sớm mẹ em nhận thêm việc quét dọn phòng giao dịch của một ngân hàng, thu nhập tổng cộng được 6.300.000 đồng/tháng.  Hai mẹ con ở nhà trọ, tiền thuê nhà và điện nước hơn 3 triệu/tháng.

Hiện em học ngành cơ khí tiện, hệ 2 năm. Sau giờ học em về trường phụ giúp mẹ dọn dẹp vệ sinh, đến tối thì hai mẹ con về nhà trọ.


Tìm ân nhân bảo trợ

Sau khi thăm hỏi gia cảnh, đến trường nói chuyện với thầy cô, với các em để tìm hiểu thêm về học lực hạnh kiểm thì nhận thấy các em
- Trần thị Doanh Doanh
- Trần Nguyễn Gia Bảo
- Nguyễn Trần Khắc Tuấn
- Nguyễn Trần Bảo Trâm
- Trần Phạm Minh Anh
- Nguyễn Bảo Huy
- Nguyễn Ngọc Như
- Lê Hoàng Sang
đều hiếu học, dù hoàn cảnh khó khăn các em vẫn cố gắng chăm chỉ ở trường, phụ giúp gia đình ngoài giờ học.
GiKaD hy vọng các em tìm được ân nhân bảo trợ, giúp các em được tiếp tục đến trường hoặc có một nghề nghiệp vững chắc.

 

Hiện nay GiKaD nhận giúp đỡ tổng cộng 73 em: 32 em tiểu học, 39 em trung học, 1 em học trường nghề, ngành cơ khí , 1 em học Cao đẳng Y Tế (xem Hành Trình Lá Non ở đây).


Chân thành cám ơn

Đến hôm nay (30.01.2020) thì các em đã tìm được ân nhân bảo trợ.
Thay mặt các em GiKaD xin gởi lời chân thành cảm ơn.